Tiền đề Đổi Mới

Lenin là người đưa ra chính sách kinh tế mới

Theo lý luận của Lenin thì chủ nghĩa xã hội là bước chuyển giữa chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Để khôi phục nền kinh tế Nga sau nội chiến, Lenin đã đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP) là một mô hình kinh tế hỗn hợp, đan xen giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể với kinh tế tư bản tư nhân. Theo đó nhà nước cho phép một số thị trường được tồn tại, các ngành công nghiệp nhà nước đó sẽ hoàn toàn tự do đưa ra các quyết định kinh tế của mình. Đồng thời Lenin cũng đưa ra ý tưởng về việc áp dụng chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước vào nước Nga mà theo ông "Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ đi vào chủ nghĩa xã hội[5]" và "chủ nghĩa tư bản nhà nước là cái gì có tính chất tập trung, được tính toán, được kiểm soát và được xã hội hoá[5]".

Sau khi Lenin mất, Stalin đã xóa bỏ NEP và xây dựng mô hình kinh tế chỉ huy dựa trên ý tưởng của Lenin. Những người theo chủ nghĩa Stalin (không nhầm lẫn với chủ nghĩa Marx nguyên bản) nhiều lần nhấn mạnh rằng cơ chế thị trường là một cơ chế hoạt động kém, cần phải được thay bằng cơ chế kế hoạch hóa có ý thức.

Ngoài Lenin và những người kế thừa ông, nhiều nhà kinh tế cũng quan tâm đến kế hoạch hóa nền kinh tế và việc kết hợp giữa thị trường và kế hoạch. Năm 1901, Vilfredo Pareto xuất bản tác phẩm Sistemi Socialisti xem xét các mô hình đáp ứng các yêu cầu kinh tế - xã hội mang tính xã hội chủ nghĩa của ông[6]. Những lý luận đầu tiên về chủ nghĩa xã hội thị trường được nhà kinh tế Enrico Barone người Ý nêu ra vào năm 1908 trong tác phẩm "Il Ministro della Produzione nello Stato Collettivista", tạp chí Giornale degli Economisti, số 2, tháng Chín-Mười, trang 267-293. Barone đã đưa ra một mô hình toán về một nền kinh tế tập thể, theo đó các quan hệ tiền tệ hàng hóa trong nền kinh tế đều có thể tính toán được và từ đó có thể điều chỉnh để sao cho phúc lợi tập thể đạt mức tối ưu.[7] Năm 1929, Fred Manville Taylor người Mỹ trong công trình "The Guidance of Production in a Socialist State" đã nêu ra những điều kiện để nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có thể, về mặt lý thuyết, đạt được hiệu quả trong phân phối nguồn lực[8].

Trên cơ sở mô hình của Barone, vào năm 1936 nhà kinh tế người Ba Lan Oskar Ryszard Lange đã công bố cuốn sách của mình mang tên Lý thuyết kinh tế về chủ nghĩa xã hội trong đó ông kết hợp kinh tế học Marxist với kinh tế học tân cổ điển. Lange ủng hộ việc sử dụng các công cụ thị trường (giá cả) và đồng thời ủng hộ việc kế hoạch hóa. Lange cho rằng các nhà làm kế hoạch có thể tính toán và đặt ra các mức giá và chờ đợi phản ứng của thị trường để điều chỉnh cho phù hợp. Như vậy nền kinh tế sẽ có hiệu quả cao hơn thay vì để cho thị trường quyết định hoàn toàn. Lange đã phác họa một nền kinh tế mà các công ty sở hữu công cộng có thể tối đa hóa lợi nhuận của mình hoặc hoạt động theo công thức tối ưu hóa gần như thế. Cơ quan kế hoạch trung ương cố gắng thiết lập các giá cả cân bằng và làm trong sạch thị trường bằng cách mô phỏng cơ chế thị trường: khi thấy nhu cầu tăng, nó tăng giá lên và khi thấy nhu cầu giảm, nó giảm giá xuống. Ông khẳng định rằng một hệ thống như vậy có khả năng cân bằng giữa cung và cầu.[9]

Tuy nhiên, Friedrich von Hayek đã bác bỏ tư tưởng trên của Lange bằng lập luận: vấn đề lớn thực sự của chủ nghĩa xã hội không phải là việc liệu nó có thiết lập được giá cả cân bằng hay không mà là vấn đề có những động cơ khuyến khích gì để thu thập và áp dụng nhanh chóng những thông tin nhất thiết là tản mạn, lẫn lộn ở nhiều chỗ khác nhau. Những thông tin tản mạn đó được Hayek gọi là tri thức riêng phần, những tri thức được sở hữu và chỉ được sử dụng tốt nhất bởi mỗi cá nhân[10]. Trong bài luận "Sử dụng tri thức trong xã hội" (The Use of Knowledge in Society) đăng trên chuyên san American Economic Review năm 1945, Hayek cho thấy rằng kế hoạch hóa kinh tế tỏ ra kém hiệu quả hơn so với tự do hóa kinh tế bởi vì kế hoạch hóa không thể giải được bài toán của hệ thống giá cả là một hệ thống tự phát giúp con người truyền tải tri thức cần thiết từ người này sang người khác để phối hợp với kế hoạch cá nhân riêng rẽ. Giá cả có thể xem như là một hệ thống thông tin tự nhiên điều chỉnh hành vi của các cá nhân và tổ chức tham gia vào nền kinh tế từ đó dẫn đến sự cân bằng cung cầu. Đây là điều chưa có cơ quan kế hoạch hóa kinh tế nào làm nổi. Chính vì thế, Hayek chủ trương rằng cần phải để nền kinh tế hoạt động tự do trên nguyên tắc của cơ chế thị trường.

Lịch sử phát triển kinh tế thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy Chủ nghĩa xã hội kết hợp với yếu tố thị trường còn được gọi là Con đường thứ ba để phân biệt với hai con đường khác là kinh tế thị trường tự do (hay kinh tế tư bản chủ nghĩa) và kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Các nước Đông Âu và Liên Xô cũ đã rời bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa để chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự can thiệp của nhà nước. Các nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Nhật trong thế kỷ XX cũng điều chỉnh mô hình kinh tế theo hướng tăng cường sự can thiệp của bộ máy nhà nước (kinh tế hỗn hợp). Nước Mỹ ngày nay, một tượng đài của chủ nghĩa tư bản, cũng không còn là Kinh tế thị trường tự do như trước mà là một nền kinh tế hỗn hợp trong đó nhà nước "đưa ra những ưu đãi hoặc ngăn cản chẳng với một nguyên tắc rõ ràng và nhất quán nào"[11]. Chủ nghĩa xã hội thị trường là đường lối phát triển kinh tế chủ đạo của một số nước phát triển tại Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch...

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đổi Mới http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/04/1604... http://www.kas.de/wf/doc/kas_48064-1522-1-30.pdf?1... http://iussp2005.princeton.edu/papers/50294 http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/no-nu... http://www.econlib.org/library/Enc/Capitalism.html http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=764... http://blogs.worldbank.org/eastasiapacific/vi/viet... http://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD... http://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.PP... http://data.worldbank.org/indicator/NY.GNS.ICTR.ZS...